Khó tin chuyện Bảo hiểm Y tế: 1 bệnh nhân cắt 2 túi mật, 2 đại tràng, 2 bao quy đầu

Qua việc kiểm tra, BHXH đã phát hiện ra nhiều trường hợp cực kỳ hy hữu như: 1 bệnh nhân có thể cắt tới 2 túi mật, 2 đại tràng, hai bụng, cắt hẹp tới hai bao quy đầu, chỉ định quá mức cần thiết cận lâm sàng…


Bội chi BHYT ở cơ sở khám chữa bệnh trong 9 tháng vừa qua khiến cho quỹ BHYT bị âm hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh CafeF

Ngày 19/10, đối thoại chính sách bảo hiểm y tế khu vực phía Bắc diễn ra khá nóng giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam (đơn vị quản lý quỹ bảo hiểm y tế) và ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh (bên tiêu tiền quỹ).

Theo thống kê từ phía BHXHVN, trong 9 tháng đầu năm qua đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi 71,325 tỷ đồng, quỹ chi cho BHYT tăng vọt. 35 tỉnh, thành phố có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến cho Quỹ BHYT giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng.

Ngoài nguyên nhân tăng lượt khám chữa bệnh BHYT cơ học hay tăng giá dịch vụ y tế, bội chi Quỹ BHYT này có nguyên nhân lớn từ việc các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ không hợp lý, lạm dụng, tìm nhiều cách để trục lợi quỹ.

Qua kiểm tra, phía BHXH đã phát hiện ra nhiều trường hợp cực kỳ hy hữu như 1 bệnh nhân có thể cắt tới 2 túi mật, hai đại tràng, hai bụng, lấy thai lần đầu nhưng có hai thai, cắt hẹp tới hai bao quy đầu; ba ngày bệnh nhân lại mọc giả mạc/lần; chỉ định quá mức cần thiết cận lâm sàng…

Phản ứng khá gay gắt khi cho rằng quan điểm của BHXH Việt Nam khi cho rằng, công tác giám định BHYT cần phải xem lại, đảm bảo khách quan hơn và phải vì quyền lợi của người bệnh.

Theo ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, việc ngành BHXH giao dự toán quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các địa phương là trái quy định của pháp luật, chưa kể đơn vị này còn giao thiếu, giao chậm.

Đặc biệt, việc giám định và xuất toán chi BHYT của ngành BHXH tại nhiều địa phương chưa chính xác hoặc vội vàng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng gây ảnh hưởng đến uy tín và làm ngành y tế "bối rối". 

Dẫn chứng cho những vướng mắc trong thanh toán chi phí bảo hiểm, ông Đặng Hồng Nam, cho rằng tiền tạm ứng không đủ, tạm ứng nhiều lần. Hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế gây bất lợi cho cơ sở y tế. Trong khi đó người giám định của bên bảo hiểm không có chuyên môn y dược, có tỉnh chỉ 50% giám định viên được đào tạo về y dược. Nhiều giám định viên từ chối thanh toán bảo hiểm mang cảm tính cá nhân, áp dụng máy móc cứng nhắc quy chế chuyên môn…

Một trong những "phát hiện" khá sốc đó là cả ngành BHXH Việt Nam chỉ có 2.300 giám định viên BHYT, công việc nhiều nhưng hiện còn khoảng 50% giám định viên không có chuyên môn về y, dược song lại đi giám định vấn đề y tế.

Nhiều bất cập trong việc tìm tiếng nói chung giữa BHXH và ngành Y tế. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân. Từ 2010-2016, Quỹ BHYT kết dư 49.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng, đây cũng không hẳn là điều đáng mừng.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN