Sản phầm Tân Hiệp Phát ai sẽ là người mua? Ai là người bán?

Hơn một năm tính từ ngày Tân Hiệp Phát (THP) rơi vào sự kiện pháp lý mang tên "con ruồi giá 500 triệu đồng", thoạt nhìn, mọi thứ ở doanh nghiệp này dường như không có gì thay đổi. Nhưng vết cắt đau đớn trong lịch sử đáng tự hào của công ty này vẫn đang tiếp tục "rỉ máu".

Những ngày cuối tháng 4/2016, thời điểm "đất nước trọn niềm vui", THP hẳn sẽ không thể phấn chấn khi đối mặt với tin đồn râm ran về chuyện họ đã bị mua lại bởi một công ty cùng ngành với giá thấp. Trong khi đó, trên tờ Wall Street Journal, THP đánh tiếng rằng họ muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài với mức định giá 2 tỷ USD. Với một động thái cầu thị, đại diện THP đã dành đúng 14 ngày để trả lời hàng chục câu hỏi liên quan đến các thông tin mua bán, sáp nhập, cũng như dự báo vận mệnh công ty này thời gian tới.



Không khó để tìm thấy nhiều thông tin trước đây, khi THP còn khỏe mạnh, rằng Coca-Cola đã định giá họ khoảng 2,1 tỷ USD. Con số này là bằng chứng cho một công ty nội địa hiếm hoi trong ngành thức uống có năng lực vượt trội với doanh thu xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, 10.000 người lao động, giữ vị trí thứ hai về thị phần sau ông lớn quốc tế Suntory PepsiCo. Gần đây nhất, cộng đồng kinh doanh cho rằng công ty này đã bị "mất giá" chỉ còn 500 triệu USD.

Khác với tình hình được đưa ra trên Wall Street Jounal, khi đối thoại với PV, THP lại khá hạn chế nói về chuyện mua lại. Họ kể: "Có một số doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác với chúng tôi, nhưng không một ai trong số họ đưa ra được lộ trình và chiến lược đi đúng với nguyện vọng và sứ mệnh của THP. Chúng tôi sẵn sàng mời đối tác nước ngoài tham gia vào THP, miễn là đóng góp cho sự phát triển bền vững".

Sự khẳng định này chưa được kiểm chứng thực tế, ngay cả khi chúng tôi nỗ lực tìm kiếm thông tin từ các nhà chức trách tỉnh Bình Dương, nơi đặt "tổng hành dinh" của THP. Bất ngờ hơn, không chỉ hạn chế nói về chuyện mua bán, sáp nhập, THP cho biết, họ thậm chí còn có kế hoạch lấn sân sang ngành thực phẩm (ngoài thức uống) với sản phẩm chưa thể tiết lộ, nhưng sẽ là chiến lược trọng tâm trong thời gian tới.

Nhìn chung, THP còn quan ngại khi được hỏi về các vấn đề mua bán, sáp nhập trong thời gian này. Các động thái "cải tiến nhẹ" sau sự cố dường như vẫn chưa thể hiện công ty này sẵn sàng cho đại chúng hóa ở mức cao. Họ vẫn nhấn mạnh đến thương hiệu công ty mang tên Number One (thương hiệu trực tiếp đã gây nên sự cố), đưa người nước ngoài lên lãnh đạo (thực chất nhằm để khẳng định thêm sức mạnh quốc tế và khai thác kinh doanh toàn cầu), trong khi nhà sáng lập Trần Quí Thanh, vợ và hai con gái ông (trừ con trai út) vẫn giữ vai trò rường cột trong sự sống còn của THP hiện tại.

Có lẽ sự phòng chống "thâu tóm" mang ý nghĩa quan trọng đối với ông Trần Quí Thanh, một nhà sáng lập cá tính, liều lĩnh đặt cả tên mình vào sản phẩm và quan điểm sâu sắc về việc để lại gia sản cho các con.

Ở một động thái khác, THP cũng chia sẻ rằng họ không dừng lại bất kỳ thứ gì sau sự cố, thâm chí còn làm nhiều hơn. Trước sự cố, THP có 2 nhà máy sản xuất ở Bình Dương và Hà Nam. Nhưng thời gian sắp tới, "đại gia đình" này sẽ tiếp tục khánh thành thêm 2 nhà máy ở Hậu Giang và Chu Lai. Độ phủ các kênh bán lẻ hiện tại của công ty này vẫn nỗ lực duy trì 98% và họ vẫn giữ thị phần thứ 2 trong ngành nước giải khát không gas (con số này do chính THP chia sẻ), dù trước đó ông Thanh có công bố trên báo chí về mức độ thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng sau sự cố.

Ngoài ra, THP còn nhấn mạnh, họ sẽ tiếp tục tập trung 5 "quân cờ" chủ lực thời gian tới là Nước Tăng Lực Number One, Trà Xanh Không Độ, Trà Thảo Mộc Dr.Thanh, Trà Ô Long Linh Chi và Trà Bí Đao Không Độ (có tinh chất collagen).

Việc nhấn mạnh đến những kế hoạch vừa nêu đồng nghĩa rằng, "đế chế" Trần Quí Thanh một lần nữa tiếp tục "tuyên chiến" với các ông lớn đa quốc gia trong ngành này (Suntory PepsiCo, Coca-Cola, URC…). Sức kiên cường của người đàn ông ngoài 60 tuổi này không phải lần đầu được thử thách vì trong lịch sử, THP từng bị thất bại thảm hại trong cuộc chiến bia Laser với các ông lớn quốc tế. Bia Laser của THP khi ra thị trường bị "khóa" kênh phân phối bởi "chính sách giá" của các đối thủ, nhưng ông Thanh đã linh hoạt từ bỏ đại dương đỏ để quyết định mở đường đến các đại dương xanh đạt ít nhiều thành công (như các thức uống dinh dưỡng không gas hiện thời).

Tan Hiep Phat: Ai mua? Mua ai?
Tân Hiệp Phát cho biết Công ty đang giữ thị phần đứng thứ hai trong ngành nước giải khát không gas. Ảnh: thoidai.com.vn.