Vị trí mảnh xương gà bị mắc trong thực quản.
Nuốt cục cơm to, cho tỏi vào lỗ mũi
"Cả nhà cứu với, em bị hóc xương cá!!!"- status thỉnh cầu của chị Ngọc Liên (Thanh Trì, Hà Nội) lập tức nhận được nhiều hưởng ứng của bạn bè. Có người khuyên chị nuốt cục cơm to vì cho rằng xương cá sẽ bám vào cơm mà trôi xuống cổ.
Có người khuyên chị nuốt vỏ cam tươi hoặc ngậm vài viên vitamin C cho xương cá mủn ra. Thấy chị "la oai oái" vì đã áp dụng hết hai cách trên rồi nhưng xương vẫn mắc nơi cổ họng, một người bạn đã mách một cách rất kinh dị mà ở quê bạn hay áp dụng: uống nước…dãi của vịt. "Lấy một con vịt, dốc đầu vịt xuống. Đựng nước dãi vịt vào bát sạch, uống từ từ cho nhuận họng, xương dăm sẽ tan ra. Nghe kinh dị quá nên tôi không dám thử", chị Liên kể.
Hiện có vô vàn mẹo chữa hóc xương cá mọi người truyền tai nhau. Mỗi khi thấy con bị hóc xương cá, chị Nguyễn Thị Lý (Q. Hà Đông, Hà Nội) thường bảo con đi ra đường. Nếu gặp cái que nào đang nằm ngang thì nhặt lên, đặt que nằm dọc rồi đi về nhà là hết hóc.
Trên mạng, mọi người còn truyền nhau một mẹo chữa khác cũng kinh dị không kém, đó là cho một nhánh tỏi vào lỗ mũi. Nếu hóc bên trái họng thì nhét nhánh tỏi vào lỗ mũi bên phải cho thông hơi, bịt lỗ mũi trái, thở bằng miệng rồi hắt hơi, nôn ra là hết hóc.
Mặc dù không biết cơ sở khoa học của những mẹo chữa hóc xương này nhưng mọi người vẫn truyền miệng nhau làm vì "nghe các cụ bảo thế".
Các bác sỹ Bệnh viện E tiến hành phẫu thuật gắp xương gà bị mắc kẹt trong thực quản cho bệnh nhân.
Suýt mất mạng vì hóc mảnh xương gà
Nói về thói quen chữa hóc xương bằng mẹo của người dân, Ths.BS Đặng Trung Thành, Phó khoa Tiêu hóa, Bệnh viện E đã khẳng định đây là việc làm rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất mạng.
Mới đây, chính tay bác sĩ Thành đã thực hiện ca phẫu thuật cho một bệnh nhân nữ 36 tuổi ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị hóc xương gà. Mảnh xương đâm sâu vào 1/3 dưới thực quản khiến nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nuốt khó, đau đớn, tức ngực, không ăn uống gì được.
"Người bệnh đã chữa bằng mẹo khiến mảnh xương trôi xuống và mắc lại ở thực quản. Mong mảnh xương biến mất, người bệnh tiếp tục uống sữa, thay vì đến bệnh viện gắp xương", Bác sĩ Trung Thành kể lại.
Khi bệnh nhân nhập viện, các bác sĩ xác định đây là ca bệnh rất nguy hiểm bởi hóc xương đã gây biến chứng áp xe, nhiễm trùng nặng. Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân nội soi dạ dày.
Kết quả cho thấy cách cung răng trên khoảng 20 cm có một dị vật xương bám chắc vào hai bên thực quản. Do dị vật mắc ở ngang mức đốt sống ngực 3 (vùng trung thất) nên có nguy cơ tử vong khi làm phẫu thuật.
Cuối cùng, ca phẫu thuật kết thúc sau 30 phút, không có biến chứng nào xảy ra và mảnh xương gà hình chữ L được lấy ra khỏi thực quản của người bệnh.
"Nếu chẳng may bị hóc xương, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được khám và xử lý kịp thời. Chỉ cần một thủ thuật đơn giản là bác sĩ có thể lấy được mảnh xương ra khỏi cổ họng người bệnh.
Tuyệt đối không tự ý móc, gắp xương hay chữa bằng mẹo vì những việc làm này chỉ khiến dị vật trôi xuống, đâm sâu hơn vào thực quản, gây viêm loét, nhiễm trùng nặng", Bác sĩ Thành Trung khuyến cáo