Củ gai lấy từ rễ của cây gai, là bài thuốc dân gian có công dụng an thai rất tốt
Thời gian gần đây, rất nhiều người rỉ tai nhau về công dụng chữa yếu sinh lý, điều trị vô sinh, hiếm muộn cho nam giới từ củ gai. Theo đó, củ gai rửa sạch, ngâm vào rượu, khi uống có tác dụng bổ thận, tráng dương, kích thích tinh hoàn. Những người không uống được rượu thì có thể sắc lấy nước uống.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Đời sống Plus, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, củ gai không hề có tác dụng chữa vô sinh như lời đồn.
"Vốn dĩ trong Đông y, cây củ gai với tác dụng để chữa bí tiểu, thải độc cho gan, nam giới có thể dùng. Nhưng đến nay cũng chưa từng có một nghiên cứu nào khẳng định cây củ gai thực sự chữa được vô sinh"- Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết, củ gai được lấy từ phần rễ của cây gai (loại lá dùng để làm bánh gai). Để có phần củ gai dùng làm một vị thuốc, người lấy phải đào rễ cây gai và củ về rửa sạch đất, cắt thái miếng có thể dùng tươi hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô.
"Củ gai có tính ngọt, hàn, không độc. Củ gai tươi có tác dụng tả nhiệt, tán ứ, điều trị sang lở, thông tiểu tiện. Đặc biệt củ gai có công dụng an thai cho bà bầu, chống động thai, chống buồn nôn, chống nghén...", Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Lương y Vũ Quốc Trung cũng cho biết, rất nhiều bà mẹ bị động thai, dọa sảy thai đã giữ được con nhờ củ gai. Và khi có các dấu hiệu mang thai bị đau bụng, bị ra huyết đỏ hoặc nâu, đái đục, đái ra máu, bong nhau thai, tụ dịch màng nuôi, bong màng nuôi, sa dạ con, viêm tử cung, nếu sử dụng củ gai cho hiệu quả rất tốt.
Củ gai không chỉ là vị thuốc mà còn là thực phẩm bổ dưỡng cho các bà bầu
Ngoài ra với các bà mẹ mang thai khác, có thể dùng củ gai như một loại thực phẩm bổ dưỡng an thai, nấu với gà ác, móng giò, bồ câu… thành các món ăn bổ dưỡng hoặc luộc ăn, đun sắc nước để uống hàng ngày. Hoặc có thể kết hợp với một số vị thuốc khác như: sắc uống kết hợp với 1 bài thuốc Đông y gọi là Thái Sơn bàn bạch tán gồm thuốc bổ huyết, hoạt huyết, bổ khí như: đương quy, bạch thược, xuyên khung.
Đối với trường hợp động thai, tụ dịch sau màng nuôi, ra huyết nâu (đỏ), rau bị bóc tách 1 phần (hay còn gọi là bong màng nuôi, bong rau…) nên dùng củ gai tối thiểu trong một tuần để cầm máu và cho thai ổn định. Cụ thể như sau:
3 ngày đầu mỗi ngày dùng 150g – 200g củ gai rửa sạch thái lát mỏng đun với 0,8 – 1 lít nước trong khoảng 20-30 phút, uống 2-3 lần/ngày. 4 ngày sau mỗi ngày dùng 100g và nấu như trên thay nước uống. Phần củ sau khi đun 2-3 lần nên ăn hết, không nên bỏ đi.
Đối với trường hợp dùng củ gai để an thai: Mỗi ngày dùng 100g củ gai sắc như trên, ngày uống 2 lần hoặc dùng 200g củ gai tươi đã rửa sạch, cắt lát mỏng hầm với gà, bồ câu, móng giò, chân dê, dạ dày, tim lợn… để dùng 2-3 lần một tuần. Có thể dùng đến khi sinh mà không sợ sót rau.
Củ gai có thể phơi, sấy khô để bảo quản được lâu hơn
Đối với trường hợp ra máu đỏ sẫm: Lượng dùng như cho người bị động thai nhưng cho thêm vài ngọn ngải cứu hoặc tía tô.
Một số trường hợp dọa sảy thai hoặc bong rau thai nặng (30% trở lên) ngoài uống nước củ gai sắc (có thể củ gai tươi đã sơ chế sạch để ăn sống) hoặc xay ra rồi hòa với nước rồi uống sẽ có khả năng giữ được thai.
Đối với sản phụ bị nghén nhiều có thể thêm vài đốt mía, cỏ ngọt, cam thảo hoặc đường phèn cho dễ uống hơn.
Lương y Trung cũng đặc biệt nhấn mạnh khi chế biến, không nên gọt hay tước phần vỏ đi vì phần vỏ rất bổ, sau đó cắt, thái miếng có thể dùng tươi hoặc để nguyên rồi phơi khô hay sấy khô.
"Khi cần thì dùng đến đâu rửa đến đó, không nên rửa tất cả để giữ được độ tươi của củ gai. Phần còn lại chưa dùng đến thì gói kín trong túi nilon hoặc giấy báo và cất dưới ngăn mát tủ lạnh.
Củ gai bảo quản theo cách trên thì để được khoảng 15 đến 20 ngày, nếu muốn giữ được lâu hơn thì nên
rửa sạch thái lát rồi phơi khô hoặc sấy khô", Lương y Vũ Quốc Trung nhấn mạnh thêm.
Tin tức sức khỏe hôm nay: https://doisongvietnamyte.blogspot.com/